Giao nhận vận tải

TỔNG HỢP CÁC LOẠI PHỤ PHÍ THƯỜNG GẶP CHO LÔ HÀNG ĐƯỜNG BIỂN

Trong vận tải quốc tế đường biển bên cạnh cước chặng chính (ocean freight) thì cácphụ phí vận tải đường biển chiếm một tỷ lệ khá lớn trong các yếu tố vào chi phí lô hàng. Thông thường để nắm được các chi phí này còn phụ thuộc vào kinh nghiệm của người book tàu (bên xuất khẩu hoặc nhập khẩu tùy theo ai là người thuê tàu). Việc nắm được các phụ phí vận tải thường gặp này sẽ góp phần giúp chúng ta dễ dàng hơn trong việc so sánh báo giá vận tải khi các công ty Forwarder gửi cho bạn.

Dưới đây mình tổng hợp các phụ phí cơ bản, còn các phụ phí khác nữa sẽ phụ thuộc vào từng tuyến, hành trình lô hàng cụ thể.

CÁC LOẠI PHÍ SAU;

1. Phí THC – Terminal Handling Fee — Phí cầu cảng

– THC  là khoản phụ phí mà cảng thu hãng tàu coi như tiền thuê nhân công, trang thiết bị và chỗ để container của cảng. Thực chất cảng thu hãng tàu phí xếp dỡ và các phí liên quan khác, và hãng tàu sau đó sẽ thu lại khách hàng của họ, thông thường hãng tàu sẽ thu cao hơn số tiền thực mà cảng thu hãng tàu, xem như phí dịch vụ, sắp xếp. – Mức thu: tính trên số lượng và loại container – THC áp dụng với cả hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu

2. Phí THD – Terminal Handling at Destination — Phí cầu cảng tại cảng đích

– Phí THD là phí dịch vụ cho các hoạt động nâng hạ container từ tàu xuống cảng (hàng nhập khẩu) tại nước nhập khẩu và việc vận chuyển container trong bãi container trước khi người nhập khẩu đến nhận hàng. –  Về tính chất, THD tương tự như THC, chỉ khác là THD chỉ rõ ra đây là phí thu tại điểm đến của lô hàng (nước nhập khẩu). – Mức thu: + tính trên số lượng và loại container + dao động từ 120 – 250 USD/container (loại standard) – Phí THD ở mỗi quốc gia và cảng đến khác nhau thì khác nhau. – Nếu xuất nhập khẩu hàng hóa theo điều kiện CIF hoặc FOB thì sẽ không phải trả THD mà phải trả THC

3. Phí Seal – Seal Fee – Phí niêm phong chì

– Phí Seal là phí là một khoảng chi phí bạn phải trả khi sử dụng kẹp chì (seal) cho việc niêm phong thùng container trước khi xuất khẩu hàng hóa – Theo thông lệ quốc tế người vận chuyển phải đảm bảo hàng tới đầy đủ số lượng, không bị mất mát. Để đảm bảo được điều này, sau khi đóng hàng, chủ hàng phải niêm phong container của mình bằng seal (niêm phong chì). – Trên Seal có in các số hiệu độc nhất để kiểm soát an toàn cho hàng hóa và giúp hải quan theo dõi, chống buôn lậu. Số hiệu trên Seal được sử dụng nhiều nhất là: số seri theo dạng tiến (00001 – 00002 – 00003), hoặc thể hiện ngày tháng. – Mức thu: dưới 10$, được tính trong local charges đầu load hàng. – Aps dụng với hàng xuất khẩu

4. Phí Bill – B/L Fee (Documentation Fee at Origin) – Phí phát hành Bill of Lading (B/L)

– Phí Bill là phụ phí để hãng tàu làm vận đơn (Bill of Lading) và các thủ tục về giấy tờ cho lô hàng xuất khẩu. Vận đơn B/L là một chứng từ vô cùng quan trọng, thể hiện rằng người xuất khẩu đã hoàn tất giao hàng cho người chuyên chở (khi sử dụng điều kiện giao hàng FOB và CIF) – Mức thu: + tính trên mỗi lô hàng, thường là 900.000/ bộ BL/ lô hàng + Nếu lấy bill gốc thì chỉ phải đóng phí bill fee + Nếu làm telex release thì đóng thêm khoản phí telex – Nếu làm master bill thì bill gốc hãng tàu phát hành, nếu làm house bill thì bill gốc do forwader phát hành. – Phí Bill áp dụng với hàng xuất khẩu

5. Phí DO – D/O Fee (Documentation Fee at Destination) – Phí phát hành Delivery Order (D/O – Lệnh giao hàng)

– Phí DO là phụ phí mà hãng tàu thu khi phát hành lệnh giao hàng bằng văn bản cho người nhận hàng, người nhận hàng xuất trình lệnh giao hàng với cảng để nhận hàng. – Mức thu: thu theo mỗi lô hàng, thường là 900.000/ bộ DO/ lô hàng – Áp dụng với hàng nhập khẩu

THAM KHẢO THÊM  CÁC CÁCH ĐỊNH GIÁ VÀ LÀM BÁO GIÁ HÀNG XUẤT KHẨU

 

6. Phí Cleaning – Cleaning Fee – Phí vệ sinh container

– Phí Cleaning là phụ phí hãng tàu thu để thuê nhân viên vệ sinh, rửa và phơi khô container sau mỗi lần vận chuyển nhằm đảm bảo tình trạng tốt của container. – Mức thu: theo số lượng container, thường có một mức thu cố định. – Áp dụng cho hàng nhập khẩu

7. Phí CFS – Container Freight Station Fee – Phí xếp dỡ và quản lý của kho tại cảng

– Phí CFS bao gồm các chi phí xếp dỡ, quản lý, đóng hàng vào container (hàng xuất), dỡ hàng ra khỏi container (hàng nhập)… – Áp dụng cho với các lô hàng lẻ đơn vị tính thường mét khối (CBM-Cubic Meter) – Mức thu: thu theo số mét khối của lô hàng.

8. Phí AMS – Automated Manifest System – Phí khai báo hải quan cho hàng đi Mỹ

– Phí AMS là phí mà hãng tàu thu để khai báo những thông tin cơ bản của hàng hóa cho hải quan Mỹ 24h trước khi tàu chạy. Việc khai báo nếu có sai sót hay chậm trễ sẽ bị hải quan Mỹ phạt rất nặng. – Chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu đi Mỹ. – Mức thu: tính trên mỗi lô hàng, khoảng 40 USD/ lô hàng

9. Phí AFR – Advance Filing Rules – Phí khai báo hải quan cho hàng đi Nhật Bản

– Tượng tự như AMS, AFR là phí mà hãng tàu thu để khai báo những thông tin cơ bản của hàng hóa cho hải quan Nhật Bản 24h trước khi tàu chạy. – Chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu sang Nhật Bản. – Mức thu: tính trên mỗi lô hàng, khoảng 40 USD/ lô hàng.

10. Phí ENS – Entry Summary Declaration – Phí khai báo hải quan cho hàng đi Châu Âu

Tương tự, phí ENS là phí mà hãng tàu thu để khai báo những thông tin cơ bản của hàng hóa cho hải quan EU 24h trước khi tàu chạy. Nếu khai báo trễ, hải quan EU sẽ tiến hành phạt tiền trên mỗi lô hàng, có thể lên tới vài nghìn Euro – Áp dụng cho: tất các container có hàng được chuyển tải hoặc có cảng đích là một cảng thuộc EU – Mức thu: tính trên mỗi lô hàng, khoảng 25 – 35 USD/ lô hàng tùy hãng tàu.

11. Phí EBS – Emergency Bunker Surcharge – Phụ phí xăng dầu

– Phí EBS là phụ phí xăng dầu cho tuyến hàng đi châu Á, bù đắp cho chi phí cho hãng tàu khi giá xăng dầu trên thế giới biến động. Tiền nhiên liệu thường tốn 30%-40% chi phí vận hành của một chuyến tàu – Mức thu: thu theo số lượng container.

12. Phí LSS – Low Sulfur Surcharge – Phụ phí giảm thiểu lưu huỳnh

Năm 2020 đánh dấu với việc các hãng tàu đều thu thêm phí LSS. Thực chất LSS là phí được các hãng tàu thu nhằm đầu tư nâng cấp tàu hoặc chuyển đổi nhiên liệu, giảm thiểu lượng khí thải từ các nhiên liệu chứa lưu huỳnh của tàu chở hàng, tuân theo quy định chung của Tổ chức Hàng Hải Quốc Tế (IMO) từ năm 2012. – Áp dụng cho: hàng xuất khẩu hoặc chuyển tải tại Châu Âu – Mức thu: + 25 – 35 USD/ container 20’ hàng khô + 50 – 70 USD/ container 40’ hàng khô + Hàng lạnh sẽ cao hơn.

13. Phí Handling (Handling fee)

Thực ra phí này là do các Forwarder đặt ra để thu Shipper / Consignee. Hiểu rõ được loại phí này thì dễ nhưng để nói cho người khác hiểu thì khó. Đại khái Handling là quá trình một Forwarder giao dịch với đại lý của họ ở nước ngoài để thỏa thuận về việc đại diện cho đại lý ở nước ngoài tại Việt Nam thực hiện một số công việc như khai báo manifest với cơ quan hải quan, phát hành B/L, D/O cũng như các giấy tờ liên quan…

14.Phí PSS (Peak Season Surcharge)

Phụ phí mùa cao điểm. Phụ phí này thường được các hãng tàu áp dụng trong mùa cao điểm từ tháng tám đến tháng mười, khi có sự tăng mạnh về nhu cầu vận chuyển hàng hóa thành phẩm để chuẩn bị hàng cho mùa Giáng sinh và Ngày lễ tạ ơn tại thị trường Mỹ và châu Âu.

15. PCS (Port Congestion Surcharge): Phụ phí tắc nghẽn cảng

Phụ phí này áp dụng khi cảng xếp hoặc dỡ xảy ra ùn tắc, có thể làm tàu bị chậm trễ, dẫn tới phát sinh chi phí liên quan cho chủ tàu (vì giá trị về mặt thời gian của cả con tàu là khá lớn).

Lưu ý: Các phụ phí này sẽ đều có hóa đơn có thể do hãng tàu hoặc công ty forwarder phát hành cho công ty xuất nhập khẩu.

___________________________________________________________________________________

Các bài viết liên quan