LOẠI HÌNH SẢN XUẤT XUẤT KHẨU VÀ CÁC THỦ TỤC
NỘI DUNG CHÍNH
1. Loại hình sản xuất xuất khẩu
1.1 Định nghĩa
Loại hình sản xuất xuất khẩu là phương thức kinh doanh sản xuất mà doanh nghiệp thực hiện nhập nguyên vật liệu từ nhiều nguồn về để chế biến ra sản phẩm xuất khẩu.
(Đây là hình thức kinh doanh mua đứt bán đoạn của doanh nghiệp.)
1.2 Đặc điểm
- Loại hình sản xuất xuất khẩu là đối tượng không chịu thuế VAT
(Theo khoản 20 điều 4 thông tư 219/2013/TT-BTC.)
- Được miễn thuế theo điều 12 nghị định 134/2016/NĐ-CP.
- Hoàn toàn làm chủ quy trình sản xuất, tự chủ về nguồn nguyên vật liệu.
- Có thể bán cho các đối tác khác nhau, các nước khác nhau.
2. Những thủ tục cần lưu ý
2.1 Về hồ sơ hải quan và địa điểm làm thủ tục
a) Hồ sơ hải quan
Chuẩn bị đầy đủ: tờ khai hải quan và các chứng từ có liên quan.
Các chứng từ bao gồm: hóa đơn thương mại, chứng từ vận tải, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Đính kèm theo là giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu. Bổ sung thêm văn bản thông báo kết quả hoặc miễn kiểm tra chuyên ngành.
(Theo Điều 24 Luật Hải quan, Điều 16 Thông tư 38/2015/TT-BTC.)
b) Địa điểm làm thủ tục
– Thủ tục nhập khẩu: Tổ chức, cá nhân được lựa chọn làm thủ tục nhập khẩu tại 1 Chi cục Hải quan sau đây:
- Chi cục Hải quan nơi tổ chức, cá nhân có trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh hoặc cơ sở sản xuất;
- Chi cục Hải quan cửa khẩu hoặc Chi cục Hải quan cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa;
- Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công, sản xuất xuất khẩu thuộc Cục Hải quan nơi có cơ sở sản xuất hoặc nơi có cửa khẩu nhập.
(Căn cứ tại điểm a khoản 1 Điều 58 Thông tư số 38/2015/TT-BTC.)
– Thủ tục xuất khẩu: tổ chức, cá nhân được lựa chọn làm thủ tục tại Chi cục Hải quan thuận tiện.
(Căn cứ tại điểm a khoản 2 Điều 58 Thông tư số 38/2015/TT-BTC.)
2.2 Thời hạn nộp thuế
a. Điều kiện
Người nộp thuế phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
(Để được áp dụng thời hạn nộp thuế 275 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai.)
– Phải có cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu trên lãnh thổ Việt Nam:
Có quyền sử dụng hoặc sở hữu hợp pháp mặt đối với: bằng sản xuất, nhà xưởng, máy móc, thiết bị tại cơ sở sản xuất.
– Có hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian ít nhất 2 năm liên tục tính đến ngày đăng ký tờ khai hải quan được cơ quan hải quan xác định là:
- Không bị xử lý về hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
- Không bị xử lý về hành vi trốn thuế, gian lận thương mại.
- Không nợ tiền thuế quá hạn, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại thời điểm đăng ký tờ khai.
- Không bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm trong lĩnh vực kế toán trong 2 năm liên tục.
(Theo Điều 42 Thông tư số 38/2015/TT-BTC, đối với hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu, vật tư để sản xuất hàng xuất khẩu.)
– Phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu. Các trường hợp thanh toán được coi như thanh toán qua ngân hàng xử lý theo quy định.
(Quy định tại khoản 4 Phụ lục VII ban hành kèm Thông tư số 38/2015/TT-BTC.)
b. Trách nhiệm
Người nộp thuế tự kê khai và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kê khai đủ điều kiện được áp dụng thời hạn nộp thuế 275 ngày.
(Căn cứ theo mẫu số 04/DKNT-SXXK/TXNK Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC.)
Doanh nghiệp có trách nghiệp thông báo cơ sở sản xuất hàng hóa xuất khẩu cho Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu.
(Theo Điều 56 Thông tư số 38/2015/TT-BTC và mẫu số 12/TB-CSSX/GSQL Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC.)
2.3 Xây dựng định mức thực tế
a. Các loại định mức
– Định mức thực tế để sản xuất sản phẩm xuất khẩu, gồm:
Định mức sử dụng nguyên liệu là lượng nguyên liệu cần thiết, thực tế sử dụng để sản xuất một đơn vị sản phẩm.
Định mức vật tư tiêu hao là lượng vật tư tiêu hao thực tế để sản xuất một đơn vị sản phẩm.
Tỷ lệ hao hụt nguyên liệu hoặc vật tư là lượng nguyên liệu hoặc vật tư thực tế hao hụt bao gồm hao hụt tự nhiên, hao hụt do tạo thành phế liệu, phế phẩm tính theo tỷ lệ % so với định mức thực tế.
– Định mức tách nguyên liệu thành phần từ nguyên liệu ban đầu là lượng nguyên liệu thành phần sử dụng để sản xuất sản phẩm xuất khẩu được tách ra từ một nguyên liệu ban đầu.
(Theo quy định tại Điều 55 Thông tư số 38/2015/TT-BTC)
b. Trách nhiệm
– Doanh nghiệp phải xây dựng định mức sử dụng và tỷ lệ hao hụt dự kiến đối với từng mã sản phẩm trước khi thực hiện sản xuất.
(Nếu có thay đổi phải xây dựng lại định mức thực tế, lưu giữ các chứng từ, tài liệu liên quan)
– Tính chính xác của định mức sử dụng, định mức tiêu hao, tỷ lệ hao hụt và sử dụng định mức vào đúng mục đích do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
2.4. Xử lý phế phẩm, phế liệu, nguyên liệu dư thừa
– Phế liệu, phế phẩm nằm trong định mức thực tế không phải làm thủ tục hải quan nhưng phải kê khai nộp thuế với cơ quan thuế nội địa theo quy định của pháp luật về thuế.
(Theo Điều 71 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015)
– Phế liệu, phế phẩm nằm ngoài định mức thực tế để sản xuất hàng hóa xuất khẩu khi bán, tiêu thụ nội địa thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 21 Thông tư số 38/2015/TT-BTC. Người khai hải quan có trách nhiệm nộp đủ thuế theo quy định trên tờ khai hải quan mới.
-Doanh nghiệp ưu tiên tự chịu trách nhiệm tổ chức việc tiêu hủy.
(Cơ quan hải quan không thực hiện giám sát)
2.5 Lập báo cáo quyết toán
Việc lập báo cáo quyết toán chậm nhất 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
Tùy theo năm tài chính mà tổ chức, cá nhân đăng ký với cơ quan thuế nội địa.
Khi kết thúc năm tài chính, tổ chức, cá nhân sẽ thực hiện báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị cho cơ quan hải quan.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần lưu ý nộp hồ sơ không thu thuế theo đúng quy định.
(Tại Điều 128 Thông tư số 38/2015/TT-BTC)